Friday, 22 Nov 2024
Tin tức

2 Chủ tịch phường ở Đà Lạt sử dụng ma túy: Trách nhiệm của Thành phố thế nào?

2 Chủ tịch phường ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng bị phát hiện sử dụng ma túy, đại diện UBND TP Đà Lạt cho biết trong đó có 1 vị Chủ tịch nghiện từ khá lâu. Dư luận đặt câu hỏi, vậy trách nhiệm của TP Đà Lạt thế nào trong sự việc này?

Mới đây, trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Vũ Loan, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết, hai ông Nguyễn Đình Khoa (SN 1979, Chủ tịch UBND phường 1) và ông Vũ Thành Sơn (SN 1980, Chủ tịch UBND phường 6), TP Đà Lạt (Lâm Đồng) bị lực lượng chức năng phát hiện tụ tập sử dụng trái phép chất kích thích trong một homestay trên địa bàn phường 9 (TP Đà Lạt).

Quyết định tạm đình chỉ công tác hai chủ tịch phường ở TP Đà Lạt. (Ảnh: Pháp Luật TP HCM)

Bà Loan cho biết thêm, sau khi xảy ra sự việc 2 Chủ tịch phường sử dụng ma túy, UBND TP đã tạm đình chỉ công tác, đồng thời phân công người phụ trách UBND hai phường trên để đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành tại phường 1 và phường 6 được thông suốt.

Việc UBND TP Đà Lạt nhanh chóng vào cuộc sau khi thông tin được công bố được dư luận ghi nhận. Song, có nhiều ý kiến cho rằng trong sự việc 2 Chủ tịch phường nghiện ma túy thì UBND TP cũng có trách nhiệm trong công tác giám sát, quản lý và bổ nhiệm cán bộ.

Anh Nguyễn Thanh Hải (trú tại Quận 9, TP Đà Lạt) cho biết: “Cán bộ, đặc biệt là lãnh đạo phải được khám sức khỏe định kỳ theo quy định, đặc biệt là những nhân sự được đưa vào quy hoạch, được bổ nhiệm vào các chức danh đứng đầu đơn vị thì việc giám sát, quản lý càng phải chặt chẽ. Tôi không hiểu nổi 1 Chủ tịch phường nghiện lâu năm mà tổ chức không nắm được thì công tác giám sát, quản lý thực sự lỏng lẻo”.

Theo Phó Chủ tịch TP Đà Lạt, đây là điều hết sức đáng tiếc, ngoại lệ, chưa từng xảy ra trong cán bộ tại TP Đà Lạt trong nhiều năm qua. Cả hai cán bộ này vi phạm đạo đức và lối sống theo quy định của Điều lệ Đảng và những điều cán bộ, công chức không được làm.

Bà Trần Thị Vũ Loan, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt thông tin về việc tạm đình chỉ công tác Chủ tịch UBND phường 1 và phường 6. (Ảnh: Pháp Luật TP HCM)

Trao đổi với PV , luật sư Lê Minh Hải, Trưởng văn phòng luật sư Royal cho biết, theo Điều 6 nghị định 112/2020 thì các hành vi bị xử lý kỷ luật bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật.

Theo Luật sư Hải, các hình thức kỷ luật áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo sẽ tùy theo mức độ vi phạm mà khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc bãi nhiệm. Theo khoản 2, Điều 38, Quy định 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII, Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định.

“Trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật nhưng tổ chức đảng cấp dưới không xử lý hoặc xử lý không đúng mức thì cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra cấp trên trực tiếp quyết định xem xét, xử lý kỷ luật theo thẩm quyền, không phải làm thủ tục từ dưới lên.

Đồng thời, phải xem xét trách nhiệm của tổ chức đảng và người đứng đầu của tổ chức đảng đó, nếu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì phải xử lý đúng mức. Như vậy, trong trường hợp này cán bộ bị xử lý về mặt đảng và mặt chính quyền” – luật sư Hải nói.

Trả lời câu hỏi dư luận đang quan tâm rằng thì lãnh đạo TP chịu trách nhiệm thế nào? luật sư Hải cho rằng, lãnh đạo TP không có trách nhiệm liên đới. Tuy nhiên, nếu lãnh đạo TP bao che khi xử lý kỷ luật cán bộ thì mới vi phạm.

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý độc giả copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn taynguyen247.com. Xin cảm ơn!
Copyright © 2022 - 2024 | taynguyen247.com | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status