Chuyên gia nhận định với lượng mưa trên 1.000 mm cả đợt, các tỉnh Trung Bộ có nguy cơ rất cao lặp lại trận lụt lịch sử năm 2017.
Chiều 7/10, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phát đi bản tin nhận định về vùng áp thấp đã tiến vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và cảnh báo đợt mưa rất lớn đang diễn ra ở miền Trung.
Trao đổi với Zing, nhiều chuyên gia ngành khí tượng bày tỏ lo ngại mưa lớn kéo dài nhiều ngày tới có thể gây ra lũ lớn trên các sông. Nhiều câu hỏi đang được đặt ra về mức độ cực đoan của đợt mưa lần này.
Vùng áp thấp đang di chuyển thế nào?
Lúc 13h ngày 7/10, vùng áp thấp đã đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ. Trong 24 giờ tới, hình thái này tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng tây với vận tốc 15-20 km/h.
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp không khí lạnh, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa rào và dông mạnh. Cơ quan khí tượng cảnh báo trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7.
Những giờ qua, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên đã xuất hiện mưa lớn kéo dài với lượng phổ biến 200-350 mm. Một số nơi ghi nhận lượng mưa đặc biệt lớn lên đến 360-400 mm như Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế) và Sa Huỳnh (Quảng Ngãi).
Vì sao áp thấp nhiệt đới không hình thành?
Trước đó, cơ quan khí tượng nhận định vùng áp thấp có khả năng mạnh thành áp thấp nhiệt đới sau đó đổ bộ vào đất liền Trung Bộ chiều 7/10. Tuy nhiên, kịch bản này đã không xảy ra.
Chuyên gia nhận định vùng áp thấp không thể mạnh lên như dự báo là do gió Tây Nam yếu, kèm theo khối khí phía bắc vùng áp thấp có độ ẩm và nhiệt độ khá thấp. Đây là những điều kiện bất lợi cho sự mạnh lên của vùng áp thấp.
Do đó, hình thái này chỉ dừng lại ở sức gió mạnh dưới cấp 6, giật cấp 8, sau đó đi thẳng vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ.
Diễn biến mưa ra sao?
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn, nhận định sự tương tác giữa dải hội tụ nhiệt đới tồn tại vùng áp thấp và không khí lạnh gây ra đợt mưa rất lớn cho các tỉnh Trung Bộ.
Mưa bắt đầu từ tối và đêm 6/10, kéo dài đến ngày 11/10. Khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi là trọng tâm của đợt mưa này khi có thể ghi nhận vũ lượng lên đến 500-700 mm/đợt. Những khu vực khác có mưa phổ biến 300-500 mm.
Trong khi đó, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết sau ngày 11/10, mưa lớn tiếp diễn tại Trung Bộ do chịu ảnh hưởng của một áp thấp nhiệt đới khác hoạt động trên Biển Đông.
“Các tỉnh miền Trung có thể phải trải qua một đợt mưa kéo dài 10 ngày, tổng vũ lượng cả đợt có nơi lên đến 1.000-1.500 mm”, ông Khiêm nói.
Mưa hơn 1.000 mm lớn thế nào?
Theo số liệu quan trắc của Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ, lượng mưa trung bình năm tại các địa phương trong khu vực này dao động 2.100-2.700 mm. Trong khi đó, đợt mưa tới được dự báo có khả năng ghi nhận vũ lượng lên tới 1.000-1.500 mm.
Như vậy, chỉ riêng đợt mưa trong 10 ngày tới có thể ghi nhận số liệu bằng tổng lượng mưa trong suốt nửa năm tại các tỉnh miền Trung. Chuyên gia khí tượng mô tả các trận mưa những ngày tới là “như trút nước” và đánh giá đây là đợt mưa rất lớn của năm nay tại khu vực Trung Bộ.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, nhận định mưa trên 1.000 mm cho cả đợt là tình huống phức tạp và nguy hiểm, cấp độ rủi ro lớn cho các khu vực trong vùng ảnh hưởng.
Loại hình thiên tai nào có thể xảy ra?
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng dự báo số liệu mưa những ngày tới cho thấy mức độ nguy hiểm và cực đoan của loại hình này.
“Với lượng mưa trên 1.000 mm cả đợt, các tỉnh Trung Bộ có nguy cơ rất cao lặp lại trận lụt lịch sử năm 2017. Đáng lo ngại nhất là khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi”, ông Hiệp nói.
Ông Hiệp cũng cho rằng mưa lũ những ngày tới đe dọa an toàn của các hồ đập, do đó các công trình này phải được đặt ở mức báo động cao nhất. Địa phương cần căn cứ tình hình mưa để điều tiết việc xả lũ.
Ngoài ra, ngành giao thông cần sẵn sàng phương án đảm bảo ứng phó trong tình huống quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh bị lũ chia cắt.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, mưa với cường độ lớn, kéo dài nhiều ngày gây nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất vùng núi và ngập lụt diện rộng ở các đô thị lớn. Mưa lũ có thể ảnh hưởng đến các hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhỏ, xung yếu.
Các địa phương miền Trung cần tiếp tục rà soát lại phương án ứng phó với mưa lũ lớn, chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Mưa cao điểm khi nào?
Đại diện cơ quan khí tượng cho biết sự kết hợp các yếu tố gây mưa cho khu vực Trung Bộ sẽ diễn ra mạnh mẽ nhất trong ngày 7-9/10. Lúc này, vùng áp thấp đã đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ, đồng thời những khu vực khác chịu ảnh hưởng kết hợp của gió mùa đông bắc và rìa phía bắc của vùng áp thấp.
Do đó, 2 ngày tới được nhận định là khoảng thời gian mưa xuất hiện với cường độ lớn nhất.
Ông Tăng Văn An, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, cho biết phía nam Nghệ An và Hà Tĩnh có thể ghi nhận lượng mưa phổ biến 350-450 mm/đợt. Mưa đã xuất hiện từ tối 6/10 và tiếp diễn liên tục những ngày tới.
Chuyên gia nhận định đợt mưa lần này trải dài từ Hà Tĩnh đến các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Địa phương ghi nhận lượng mưa lớn gồm: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam. Nhiều huyện miền núi có mưa cực đoan trên 600 mm.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngoài Trung Bộ, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ cũng hứng chịu một đợt mưa lớn trong 3 ngày tới với cường độ 100-150 mm.
Mỹ Hà