Sáng 5/4, UBND xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong, Quảng Trị), cho biết UBND xã đã tổ chức buổi đối thoại với 6 hộ dân đã bán bò chính sách ra… lò mổ.
Theo UBND xã Triệu Độ, 6 hộ dân đã bán bò chính sách ra lò mổ đồng ý sẽ nộp lại số tiền nhà nước hỗ trợ 14 triệu đồng/con bò, nhưng cũng kiến nghị hoàn lại nửa số tiền trên
Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) cho biết, tại buổi đối thoại, 6 hộ dân bán bò đực giống đã nhận theo chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ… đồng ý sẽ nộp lại số tiền nhà nước đã hỗ trợ là 14 triệu đồng/con. Tuy nhiên, những người này cũng kiến nghị đóng lại một nửa số tiền trên, do kinh tế khó khăn. UBND xã Triệu Độ ghi nhận ý kiến của người dân và kiến nghị lên cấp trên.
Đáng chú ý, trong 6 hộ dân đã bán bò chính sách ra lò mổ có 3 hộ là người thân của cán bộ xã Triệu Độ, gồm vợ và em vợ kế toán xã, em cán bộ phụ trách nông nghiệp.
Liên quan vụ “bò chính sách “lạc” vào nhà cán bộ, ra lò mổ” ở xã Triệu Độ, ông Lê Cảnh Biên, Bí thư Huyện ủy Triệu Phong cho biết, qua kiểm tra đã xác định được một số sai phạm như báo chí phản ánh. Việc xử lý kỷ luật cán bộ có sai phạm liên quan đến vụ việc, Ủy ban kiểm tra Huyện ủy đang tiến hành theo quy trình, sau đó sẽ tiến hành xử lý nghiêm. Cũng theo lãnh đạo Huyện ủy Triệu Phong, về nguyên tắc là các hộ dân phải đền hết toàn bộ và hiện nay UBND huyện Triệu Phong cũng đang làm báo cáo để báo cáo UBND tỉnh Quảng Trị.
Tuy nhiên, cũng nên xem xét thực tế, kiểm tra, xác minh rõ ràng, cụ thể các hộ dân trên họ bán bò như thế nào, bán bao nhiêu… để có hướng xử lý hợp tình hợp lý, nếu không cái sai của cán bộ mà làm cho người dân khó khăn thêm nữa thì cũng tội cho người dân…
Mỗi con bò đực giống được cấp theo chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ có trị giá 18 triệu đồng, trong đó mỗi hộ dân đăng ký nhận nuôi chỉ đóng 4 triệu đồng/con, còn lại nhà nước hỗ trợ 14 triệu đồng/con. Tại Quyết định số 27/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Trị về việc ban hành quy định chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020 cũng quy định rõ đối tượng áp dụng nhận bò chính sách là các hộ gia đình trực tiếp chăn nuôi lợn, trâu, bò, gia cầm, trừ các hộ chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp.
Khi đã được giao nhận bò, người chăn nuôi phải cam kết chăm sóc nuôi dưỡng và khai thác con đực giống đối với trâu, bò ít nhất 48 tháng; trừ trường hợp chết, loại thải hoặc thiên tai, dịch bệnh. Tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu, quá trình thực hiện, UBND các xã phải có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến chính sách đến từng thôn, bản, hộ chăn nuôi, hướng dẫn thực hiện chính sách tại cơ sở, kiểm tra và xác nhận đúng đối tượng được hưởng hỗ trợ. Đồng thời, quản lý, kiểm tra, theo dõi và giám sát việc thực hiện chính sách tại địa phương.
Tuy nhiên, đến nay đã có 6/13 con bò đực giống mà UBND xã Triệu Độ nhận và cấp cho các hộ dân theo chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ đã bị… cho ra lò mổ.
Liên quan vụ “bò chính sách “lạc” vào nhà cán bộ, ra lò mổ” ở xã Triệu Độ, tại báo cáo gửi Cục Chăn nuôi ngày 30/3, Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết đã làm việc với Phòng NN&PTNT huyện Triệu Phong, UBND xã Triệu Độ để xác minh thông tin, nắm tình hình vụ việc trên và nhận thấy có một số sai phạm. Sở NN&PTNT Quảng Trị đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND huyện Triệu Phong, Phòng NN&PTNT kiểm tra quy trình thực hiện chính sách tại địa phương để làm rõ sai phạm và đề nghị UBND huyện Triệu Phong xử lý nghiêm vụ việc, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tại địa phương và công tác lựa chọn đối tượng hưởng chính sách.
Trong một diễn biến khác, Sở NN&PTNT Quảng Trị vừa có văn bản đề nghị kiểm tra, rà soát quy trình thực hiện, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ theo Quyết định số 27/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Trị. Theo đó, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh chỉ đạo các Phòng, cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra, rà soát chặt chẽ quy trình tổ chức thực hiện và kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ tại địa phương theo Quyết định số 27 trong năm 2017; kết quả kiểm tra, giám sát chính sách; khó khăn tồn tại trong quá trình thực hiện và các kiến nghị đề xuất của địa phương gửi về Sở NN&PTNT Quảng Trị trước ngày 15/4 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.