Chán cuộc sống bon chen, ồn ào nơi phố thị, chị Vân Nhi đã quyết định chuyển hẳn về sống trong ngôi nhà nhỏ, nằm nép mình giữa nông trại tại huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 18 km để khởi nghiệp.
Chị Vân Nhi (1990) chia sẻ cách đây hơn 2 năm, gia đình chị đã quyết định sử dụng hơn 10.000 m2 đất tại Đăng Lèn, Lạc Dương, Lâm Đồng, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 18 km để canh tác nông nghiệp. Trong phần đất này chị dành ra 1.000m2 để thử nghiệm mô hình nông nghiệp hoàn toàn hữu cơ trước khi áp dụng ra toàn bộ trang trại rộng lớn của gia đình.
Chị chia sẻ, bản thân trực tiếp quản lí hết tất cả từ nguồn giống tới quy trình canh tác và tự lo đầu ra cho rau của mình. Chị cũng cho biết, khi quyết định chuyển về ở hẳn tại nông trại, chị và anh trai tự xây dựng một ngôi nhà khoảng 30 m2. Ngôi nhà nhỏ xinh được bao quanh bởi rừng thông xanh, mỗi sáng đều giăng kín sương mù.
Do nhà nằm ở khu vực hẻo lánh, xa trung tâm, vận chuyển vật liệu khó khăn nên chị Nhi không thể thuê thợ. Buổi sáng sau khi chăm sóc nông trại, chị tranh thủ phụ anh mang vật liệu, thi công căn nhà.
Hiện ngôi nhà vẫn đang dùng năng lượng mặt trời chứ chưa có điện lưới. Bên trong nhà chủ yếu là các đồ dùng do Nhi tự làm, không có thiết bị điện tử hiện đại nào cả.
Không chỉ gặp nhiều khó khăn để dựng nhà, chị Nhi còn đối mặt với thách thức lớn khi chuyển về ở hẳn nông trại của mình là sóng điện thoại khu vực này không ổn định: “Nhiều khi khách đặt hàng mà mình phải chạy khắp nông trại để tìm nơi có sóng mới liên lạc hay trả lời tin nhắn khách được. Hôm nào trời mưa thì coi như mất liên lạc. Hôm nào có internet mình tranh thủ lên mạng tìm hiểu các thông tin về rau hữu cơ… Tối mình tranh thủ đọc sách, đan len rồi đi ngủ sớm. Cuộc sống có phần khác lạ so với những bạn bè cùng lứa tuổi, nhưng mình cảm thấy hài lòng, an yên”, chị Nhi tâm sự.
Chị Nhi chia sẻ, hàng ngày dậy từ 5 giờ sáng để chăm sóc cho 2 chú cún cưng, nấu bữa sáng và uống cafe. Sau đó, chị bắt đầu đi thu hoạch nông sản theo đơn hàng đặt trước của khách, trồng và chăm sóc vườn hồng xung quanh nhà. Khoảng 5 – 7 ngày, Nhi mới ra thị trấn một lần để mua nhu yếu phẩm bởi mỗi lần đi mua đồ cũng rất vất vả do đi xe máy nửa tiếng đồng hồ mới ra tới đường lớn…
Khi Nhi chia sẻ câu chuyện cuộc sống của bản thân trên mạng xã hội, có không ít người tò mò, một cô gái trẻ 30 tuổi sẽ sống ra sao khi không điện lưới, internet hạn chế, không đồ dùng hiện đại,… và làm thế nào để mình cô xoay sở với nông trại cả ngàn mét vuông?
Chia sẻ về quyết định chọn nông nghiệp hữu cơ để “khởi nghiệp”, cô gái 30 tuổi cho biết: “Mình sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp nên mình đã quen với công việc này từ lâu. Trước đây mình trồng rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGap. Hai năm nay, mình về mảnh đất này của gia đình để chuyển hẳn sang trồng nông sản hữu cơ”.
Chị Nhi chia sẻ, nông trại hữu cơ 1.000 m2 được chị trồng và chăm sóc hơn 30 loại rau, củ, quả khác nhau, trong đó có những loại rau, củ như cải, súp lơ, cà rốt, củ cải trắng, củ cải đỏ, củ cải tím, củ cải ruột hồng, bí ngòi xanh, bí ngòi vàng,…. Do canh tác nông nghiệp theo phương pháp hữu cơ nên Nhi tự ủ phân bón, chăm sóc trùn quế để làm tơi đất, hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu.
Chính vì thế, giá các loại nông sản chị bán sỉ ra thị trường cũng cao hơn những đầu mối khác. Chị cho biết giá nông sản bán sỉ của mình có sự ổn định quanh năm, cà chua dao động từ 40 đến 50.000đ/kg, ớt chuông 45.000đ/kg, rau cải các loại từ 35.000đ-40.000đ/kg, súp lơ baby 65.000đ/kg, ngò tây 80.000đ/kg, đậu Hà Lan có giá 60.000đ/kg, thậm chí hương thảo có giá tới 200.000đ/kg,…
Để chăm sóc cho 1.000 m2 nông trại, Nhi tất bật liên tục từ sáng đến tối muộn. “Trồng theo phương pháp hữu cơ nên sản lượng rau củ quả không lớn, nhất là trong mùa lạnh. Rau củ quả của mình cũng không tránh khỏi việc bị sâu lá, kích cỡ nhỏ hơn các loại nông sản trồng theo phương thức khác”. Mùa sâu bệnh, Nhi ngâm dung dịch tỏi ớt để xịt. “Mình cũng không dùng màng phủ hay nilon vì muốn cây được phát triển tự nhiên nhất”, chị cho biết.
Những nỗ lực của cô gái trẻ cũng dần được đền đáp khi nhu cầu sử dụng nông sản sạch của người dân hiện nay là khá nhiều. Do đó đến nay chị đã có được nguồn khách hàng ổn định, bao gồm cả các cửa hàng chuyên rau hữu cơ lẫn khách lẻ ở nhiều nơi: Đà Lạt, Sài Gòn… dù kinh tế chưa dư dả nhiều nhưng đủ để chị trang trải cho cuộc sống. Cùng với đó là tích lũy thêm những kinh nghiệm để chuẩn bị mở rộng mô hình nông trại hữu cơ của mình.
Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19 trong năm 2020, Nhi chia sẻ bản thân đang chầm chậm vận hành nông trại để có thể thích ứng với hoàn cảnh mới. Bên cạnh đó, chị cũng thừa nhận làm nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn về chi phí để vận hành, chi phí nhân công mà thời tiết lại gặp nhiều bất lợi cho những nông trại ngoài trời như của mình.
Tuy nhiên, cô gái 30 tuổi chia sẻ sẽ cố gắng hết sức vì niềm đam mê nông nghiệp sạch, an toàn cho sức khoẻ và môi trường thân thiện khi không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.