Sunday, 24 Nov 2024
Tin tức

Bài học từ những sai phạm tại Sở Y tế Đắk Lắk

Ngành Y tế Đắk Lắk đang trải qua một năm đầy “sóng gió”, giữa lúc đang dốc toàn lực đối phó với dịch bệnh thì bỗng dưng liên tiếp những sự cố đáng tiếc xảy ra. Hàng loạt nhân sự đang tại nhiệm lẫn cán bộ lãnh đạo sở đã nghỉ hưu đều vướng vào vòng lao lý…

Lực lượng chức năng khám xét nơi làm việc của một bị can liên quan đến vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk từ năm 2014. Ảnh: T.X

Liên đới trách nhiệm

Ngày 10.12, VKSND tỉnh Đắk Lắk phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối bà Cao Thị Ninh (cán bộ thuộc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk) và ông Nguyễn Hữu Thông – nguyên Trưởng phòng Tài chính Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk. Việc khởi tố ông Thông và bà Ninh liên quan đến vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk từ năm 2014.

Hồi tháng 3.2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk công bố quyết định khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến việc đấu thầu thuốc khám chữa bệnh trong các cơ sở y tế công lập năm 2014-2015. Tháng 4.2020, VKSND Đắk Lắk phê chuẩn các quyết định khởi tố hình sự, bắt tạm giam 6 cán bộ nguyên là lãnh đạo ngành Y tế Đắk Lắk vì hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. VKSND tỉnh Đắk Lắk cũng phê chuẩn thêm quyết định khởi tố 10 người, bắt tạm giam 6 người là cán bộ, nguyên là lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk. Trong số người bị tạm giam có ông Doãn Hữu Long – nguyên Giám đốc Sở; Nguyễn Đình Quân – nguyên Chánh Thanh tra Sở.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, đã có đến 12 người là nguyên lãnh đạo, cán bộ lẫn nhân sự đang làm việc ở Sở Y tế vướng vào vòng lao lý do liên quan đến vụ án kể trên. Nguồn tin của Lao Động xác nhận, số người liên quan đến vụ án này vẫn chưa dừng lại ở con số đó. Hiện, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Đắk Lắk đang nghiên cứu hồ sơ, mở rộng điều tra để làm rõ vụ việc.

Trước đó, đầu tháng 6.2020, tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (trực thuộc Sở Y tế) đã phát lộ nhiều trường hợp công tác ngành y ở các tỉnh khác đến thực tập “chui” để được cấp chứng chỉ hành nghề ngành. Đối tượng Huỳnh Văn Bình (SN 1985) được một người môi giới hướng dẫn gặp bà Lê Thị Ánh Hồng (tự xưng là bác sĩ chuyên khoa Da liễu, trú TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Bà Hồng ra giá chứng chỉ hành nghề của ông Bình được bao trọn gói 220 triệu đồng. Số tiền này được chuyển 3 lần vào tài khoản của bà Hồng.

Thanh tra Sở Y tế Đắk Lắk còn phát hiện thêm 3 người khác gian dối khi làm hồ sơ thực hành tại BVĐK vùng Tây Nguyên để được cấp chứng chỉ hành nghề, gồm ông Huỳnh Văn Bình (SN 1985, Lâm Đồng), ông Lê Anh Tài (SN 1978, Thừa Thiên-Huế), ông Hứa Chí Cường (SN 1981, TPHCM) và ông Huỳnh Thanh Giàu (SN 1976, Đồng Tháp); đều có hộ khẩu cư trú ở huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk). Sau khi sự việc được phanh phui, báo chí lên tiếng, Sở Y tế Đắk Lắk đã quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định đối với 4 trường hợp này. Những người trên đều có trình độ chuyên môn bác sĩ đa khoa.

Bài học xương máu

2020 là một năm đầy “sóng gió” đối với ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk. Khi đang căng mình đối phó với dịch COVID-19, bạch hầu thì ngành Y tế tỉnh này liên tục nhận phải “hung tin” cả nguyên lãnh đạo, cán bộ lẫn nhân sự đang tại nhiệm ở sở bị khởi tố, bắt tạm giam.

Còn riêng đối với vụ “Chạy tín chỉ hành nghề y”, Phòng PC03, PA03 (Công an tỉnh Đắk Lắk)… vẫn đang điều tra, làm rõ những người có liên quan. Để xảy ra vụ việc này, lẽ tất nhiên ông Nay Phi La – Giám đốc Sở Y tế, ông Nguyễn Đại Phong – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên phải là những người đầu tiên nhận trách nhiệm khi đã buông lỏng quản lý, để cấp dưới lộng hành, coi thường pháp luật cũng như an toàn sức khỏe của người dân. Thực tế, các vị trên đã nhận lỗi kết hợp kỷ luật cán bộ, nhân viên vi phạm.

Ngày 11.12, tại Sở Y tế Đắk Lắk, phóng viên đã có buổi trao đổi với cả 3 lãnh đạo sở này gồm Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La và 2 Phó Giám đốc Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Văn Hùng. Tất cả đều lấy làm tiếc sau những sự cố xảy ra ở đơn vị và mong lực lượng chức năng xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Ai sai phạm thì người ấy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ông Nay Phi La – Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk – cho biết: “Tôi mong rằng sắp đến Bộ Y tế sẽ có mức giá trần về đấu thầu thuốc để những sự việc đáng tiếc liên quan đến vấn đề này không phải lặp lại. Ngoài ra, chúng tôi xem những sự việc đáng tiếc xảy ra trong thời gian vừa qua là bài học xương máu và tránh đi vào vết xe đổ. Sắp tới, đơn vị sẽ thực hiện đúng quy định của Nhà nước về đấu thầu thuốc, vật tư y tế, nhất là đối với việc xét duyệt hồ sơ. Theo đó, sẽ thành lập 2 tổ riêng biệt, phụ trách việc xét hồ sơ dự thầu và thẩm định hồ sơ. Sau đó, 2 bên sẽ tiến hành kiểm tra chéo kỹ lại để tránh có sai sót”.

Một số cán bộ, nhân viên hiện đang bị khởi tố, bắt tạm giam nên sở đang khá thiếu người. Trong thời gian đến, ban lãnh đạo sẽ xem xét điều động một số nhân sự đang công tác ở các đơn vị sự nghiệp trực thuộc để bổ sung cho những vị trí đang khuyết, ông Phi La thông tin.

Ở vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, những người liên quan tổ chức thực hiện đấu thầu các mặt hàng thuộc gói thầu thuốc theo tên Generic năm 2014-2015. Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk phê duyệt kết quả đấu thầu đối với bảy mặt hàng. Tất cả đều là các mặt hàng đạt tiêu chuẩn nhóm ba nhưng phê duyệt trúng thầu nhóm hai là không đúng quy định. Hành vi này đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hàng tỉ đồng.

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý độc giả copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn taynguyen247.com. Xin cảm ơn!
Copyright © 2022 - 2024 | taynguyen247.com | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status