Sunday, 24 Nov 2024
Tin tức

Bất ngờ chuyện mua bán đất ở Lâm Đồng

Hơn nửa năm qua, đất đai tại TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) bỗng lên cơn sốt, hàng loạt “dự án bất động sản” xuất hiện, quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông. Nhiều nông dân mới ngày nào còn còng lưng làm rẫy cà phê phút chốc trở thành ông chủ của những “dự án bất động sản” đình đám. Thực hư ra sao?

Tự làm “dự án bất động sản” ở Bảo Lộc

Vừa vào địa phận xã Đạm Bri, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng), PV Báo CAND đã được đội ngũ môi giới bất động sản ở đây niềm nở chào hỏi: “Anh mua đất để phân lô hay mua đất đã phân thành từng lô rồi? Chỗ em loại nào cũng có, giá cả đầu tư, phải nói là thấp nhất trong vùng!..”.

Một nam thanh niên khác ngoài 30 tuổi tiếp cận chúng tôi, nhỏ nhẹ giới thiệu: “Em đang có 1ha đất nông nghiệp đã mở đường vào rồi. Nếu anh có thiện chí, bên em để cho anh với giá đầu tư, 800 triệu đồng/sào. Anh mua phân lô chắc chắn trúng lớn. Sát chỗ em, người ta đang bán với giá 1,2 tỷ mỗi sào rồi!..”.

Thanh niên này dẫn chúng tôi tới một rẫy cà phê nằm ở vùng giáp ranh giữa TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, cách trung tâm Bảo Lộc khoảng 20 phút chạy xe. Vị trí đất rao bán cách đường Tản Đà, xã Đạm Bri, TP Bảo Lộc khoảng 250m, lối vào đã được mở rộng 4m, vừa rải lên bề mặt một lớp đá.

Viện cớ là đất nông nghiệp, nếu phân lô tách thửa đúng quy định của UBND tỉnh Lâm Đồng, diện tích tối thiểu phải là 500m²/lô, như vậy đầu tư sẽ không có lời, chúng tôi từ chối thửa đất trên.

Những đồi chè đang bị chuyển thành “dự án bất động sản”.

Lúc này, xuất hiện thêm hai người môi giới (một nam một nữ) chạy xe máy tới tiếp tục thuyết phục chúng tôi bằng những lời “có cánh”. Nhóm môi giới bất động sản cho biết, vị trí đất đang rao bán “đáng lẽ đã lên đất thổ cư rồi”, nhưng do gia chủ không chịu đi đóng tiền làm thủ tục chuyển đổi mục đích quyền sử dụng đất nên đã bị “tô màu” trên bản đồ sang đất nông nghiệp.

Một thanh niên trong nhóm trên khẳng định, hiện vẫn có thể chuyển sang đất ở nếu “chịu chi”. Thanh niên này nói, có người lo được việc “chuyển màu” đất nông nghiệp sang quy hoạch đất ở tại khu vực này. Giá để “chuyển màu” trên bản đồ là 100 triệu đồng/sào.

Nếu có thiện chí mua lô đất và muốn chuyển sang đất thổ cư để phân lô bán nền, anh ta sẽ làm “cầu nối” để chúng tôi gặp người có “quyền năng” chuyển màu trên bản đồ, hô biến đất nông nghiệp thành quy hoạch đất thổ cư.

Thời gian qua, trên địa bàn TP Bảo Lộc và một số địa phương của tỉnh Lâm Đồng bỗng nở rộ các “dự án bất động sản”. Không ít “dự án” được chụp hình từ trên không bằng Flycam, phối cảnh một cách chuyên nghiệp, chạy quảng cáo rầm rộ trên facebook và mạng xã hội khác. Các “dự án” được đặt tên một cách mỹ miều, như khu dân cư Pine Valley Bảo Lộc, Đạm Bri Hill Village, Jade Garden Hill Bảo Lộc, Kiwuki…

Thực chất đây là những “dự án ma”, tức chưa được sự cấp phép của cơ quan chức năng mà chỉ là việc phân lô tự phát của các cá nhân. Tuy nhiên, hầu hết những điểm phân lô này đều được đầu tư khá bài bản, nếu không có sự hỗ trợ về tài chính của các cá nhân, tổ chức (doanh nghiệp) thì một người rất khó có thể thực hiện được bởi chi phí đầu tư rất lớn.

Nhiều dự án ngoài việc mở đường “bàn cờ”, mặt đường trải nhựa giống hệt quy hoạch một khu dân cư hợp pháp thì hệ thống thoát nước, đường điện hạ thế cũng đã được lắp đặt bài bản khiến mọi người dễ dàng nhầm lẫn đây là khu dân cư được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Theo điều tra của PV Báo CAND, để phân lô, mở đường trên đất nông nghiệp giống hệt như một dự án bất động sản, cùng với sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, chủ những “dự án” trên đã sử dụng “lá bùa” hiến đất làm đường dưới sự xác nhận của UBND xã Đạm Bri và sự cho phép của cấp có thẩm quyền. Chỉ trong thời gian ngắn, tại xã Đạm Bri đã có hàng loạt gia đình bỗng có đơn xin tự nguyện “hiến đất làm đường”.

Cụ thể, ngày 23/11/2020, bà Phùng Thị Nga (ngụ TP Bảo Lộc), xin hiến đất làm đường trong khu đất của gia đình có diện tích 14.030m². Bà Hồ Trần Quyên Quyên (ngụ TP Bảo Lộc) xin hiến đất làm đường trên khu đất có diện tích 2.527m2. Trước đó, ngày 18/11/2020, bà Nguyễn Ngọc Anh Thư (ngụ TP Bảo Lộc) cũng có đơn xin hiến đất làm đường trên khu đất có tổng diện tích 98.958m2 và nhiều cá nhân khác cũng có đơn tương tự.

Tất cả các đơn này đều được UBND xã Đạm Bri đóng dấu xác nhận, trong đó có những đơn không ghi diện tích đất hiến. Theo Chi nhánh VPĐKĐĐ TP Bảo Lộc, chỉ trong thời gian ngắn, Bảo Lộc có trên 40 hộ có đơn xin hiến đất mở đường để tách thành nhiều thửa.

Theo tìm hiểu của PV, ngoài TP Bảo Lộc, hiện nay trên địa bàn các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng cũng đang xảy ra tình trạng phân lô chuyển nhượng đất nông nghiệp, được quảng cáo là “dự án bất động sản” với hình thức tương tự như ở Bảo Lộc.

Để có sự “bùng nổ” các “dự án bất động sản” như hiện nay tại TP Bảo Lộc và các huyện lân cận, cách đây một năm đã có một cuộc truyền thông rầm rộ cho vùng đất này. Ban đầu, những bài viết chỉ đơn thuần giới thiệu TP Bảo Lộc là một điểm đến hấp dẫn gắn liền với các khu du lịch nổi tiếng. Tiếp đó những bài viết nghiêng về tiềm năng nghỉ dưỡng gắn với hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện.

Đặc biệt, các bài quảng cáo còn bịa chuyện nâng cấp và đưa vào sử dụng sân bay Lộc Phát ở TP Bảo Lộc khiến UBND tỉnh Lâm Đồng phải lên tiếng bác bỏ. Kết thúc đợt giới thiệu về TP Bảo Lộc trong vòng một năm là cơ hội đầu tư bất động sản với sự kết nối hoàn thiện về giao thông, đường cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt chuẩn bị mở, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh tại các “dự án bất động sản”. Thậm chí, nhiều bài viết có nội dung những người nổi tiếng đổ lên Bảo Lộc tìm mua đất nhằm mục đích “thổi” giá đất lên cao.

Ông Nguyễn Văn Thành, một người hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại TP Bảo Lộc cho biết, việc biến đất tại TP Bảo Lộc lên tạo thành một điểm nóng về bất động sản như hiện nay đã được “nhân tố bí ẩn” chuẩn bị với một kế hoạch về truyền thông hết sức chuyên nghiệp.

“Người đầu tư đua theo những “dự án bất động sản” này rất dễ bị sập bẫy. Kết quả là để đất hoang hóa, thua lỗ, tiền mất tật mang vì không thể chuyển nhượng được khi quả bóng bất động sản phát nổ!..”, ông Thành cảnh báo.

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý độc giả copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn taynguyen247.com. Xin cảm ơn!
Copyright © 2022 - 2024 | taynguyen247.com | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status