Hơn một tháng qua nhiều người quan tâm đến vụ hai công nhân tử vong khi tháo dỡ tu viện cổ Benedict ở TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), nhưng ít ai biết nơi đây còn có 2 ngôi mộ bí ẩn.
Gặp người từng tu tập tại đan viện Benedict
Rất tình cờ, ngày 13.4, phóng viên Thanh Niên gặp cụ ông Doãn Văn Cậy (85 tuổi), ngụ đường Yết Kiêu, P.6, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), là người có 5 năm tu tập (tìm hiểu ơn gọi) tại tu viện cổ Benedict. Cụ Cậy cho biết năm 1950, khi cụ 14 tuổi, được cha mẹ gửi vào tu viện cổ, lúc đó gọi là đan viện Banedict (biển Đức) để tu tập.
Thời điểm đó Cha Romain Guilauma làm bề trên đan viện. Đan viện khá rộng lớn nhưng chỉ có 5 linh mục người phương Tây, 5 thầy người Việt và 6 chú tu tập (trong đó có cụ Cậy). Cụ Cậy nhớ nhà nội viện dành 10 phòng cho các linh mục và các thầy đã khấn trọn (gọi chung là đan sĩ); còn các chú tu tập được bố trí ở trên tầng lầu.
Cụ Cậy kể: “Dòng này hoạt động theo phương châm cầu nguyện và lao động (Ora et Labora), là dòng khổ tu và chiêm niệm. Không ăn thịt, chỉ ăn cá, không được ăn ngon… Khi vào dòng không được tiếp xúc với bên ngoài, các đan sĩ hạn chế nói chuyện với nhau, khi có việc cần dùng tay làm dấu hiệu”. Cũng theo cụ Cậy, ngoài những giờ đọc kinh, cầu nguyện, học tập, mỗi ngày các đan sĩ có 2 giờ để lao động qua việc cuốc đất trồng rau, trồng cỏ chăn nuôi bò sữa. “Quanh đan viện trồng nhiều cỏ lắm, hằng ngày các cha, các thầy vắt sữa bò để bán chứ không uống vì là dòng khổ tu”, cụ Cậy nhớ lại.
Bí ẩn hai ngôi mộ trong tu viện
Theo cụ Cậy, tại tầng hầm nhà nguyện có mộ phần của Cha sáng lập đan viện Benedict Đà Lạt (Cha Wandrille Carrière). Ngôi mộ nằm ở phòng chính của tầng hầm, chỉ xây cao hơn nền nhà vài cm nên rất ít người biết. Hai bên có 2 phòng họp. Mỗi buổi tối các đan sĩ tập trung trong căn phòng có mộ phần để kiểm điểm, xét mình có lỗi phạm gì thì tự dùng roi đánh mình để dốc lòng chừa.
Cũng theo cụ Cậy, ngoài mộ phần của Cha sáng lập đan viện, phía sau nhà nguyện bên cạnh tầng hầm còn có mộ phần của Cha quản lý đan viện, cha bị bệnh đậu mùa, không chữa khỏi. Thời điểm cụ tu tập, các đan sĩ ngày nào cũng cầu nguyện cho 2 cha đang an nghỉ tại đây.
Phóng viên Thanh Niên tìm đến Hội dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ (đường Cô Bắc, TP.Đà Lạt), là đơn vị mua lại đan viện Benedict để lập Tu viện Dòng Phan sinh Thừa Sai Đức Mẹ vào năm 1959, để xác minh câu chuyện 2 ngôi mộ trong tu viện cổ. Sơ (soeur) Maria Vũ Thị Bính (86 tuổi), người sống tại tu viện này từ năm 1963 đến 1979 xác nhận tại tu viện cổ có 2 mộ phần của 2 Cha được chôn cất nhưng ít người biết tới nếu không được giới thiệu.
Các sơ cho biết thêm, ngoài nhà nguyện và dãy tu viện cổ mua lại của đan viện Benedict, nhà dòng còn mua thêm đất của một chủ đất khác cuối năm 1964, với tổng diện tích hơn 7 ha để xây dựng Trường Thương mại Việt nữ, chuyên đào tạo nghề may, thương mại, quản trị, kế toán, thư ký văn phòng…
Sau năm 1975, trường học này được chính quyền mượn để mở trường Bổ túc văn hóa cho cán bộ tỉnh Lâm Đồng. Từ tháng 8.1979 đại diện nhà dòng ký biên bản bàn giao tài sản nhà đất của nhà dòng cho chính quyền quản lý sử dụng cho mục đích giáo dục . Riêng nhà nguyện trong tu viện cổ nhà dòng “xin không sử dụng, xem như di tích tôn giáo”. Cũng từ đó, các nữ tu không có cơ hội bảo trì ngôi nhà nguyện và chăm sóc mộ phần của 2 cha.
Như Thanh Niên đã phản ánh, công trình tu viện cổ này này có thời gian được cải tạo, cơi nới làm khách sạn với tên gọi Lâm Viên. Sau này được sử dụng làm trường chuyên tỉnh Lâm Đồng, rồi trường THPT Trần Phú. Từ năm 2014 cụm công trình này được chuyển giao cho trường ĐH Kiến trúc TP.HCM lập Trung tâm đào tạo tại Đà Lạt.
Từ cuối tháng 2.2021, trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM sửa chữa, “trùng tu” 5 khối nhà thuộc tu viện cổ và trường học. Công ty cổ phần đầu tư và thương mại quốc tế Huy Hoàng (Công ty Huy Hoàng JSC) trúng thầu. Nhưng trên thực tế, đơn vị trúng thầu vội vàng đập bỏ, đến mức hôm trước tuyên bố trùng tu nguyên trạng, hôm sau biến thành đống gạch vụn ngổn ngang.
Sáng 9.3, khi đang tháo dỡ những hạng mục xuống cấp của tu viện cổ hai công nhân đã thiệt mạng . Sau vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trên, cơ quan chức năng yêu cầu đơn vị thi công tạm thời dừng để điều tra làm rõ nguyên nhân
Đến nay, mọi cổng ra vào tu viện cổ đều khóa kín và được bảo vệ nghiêm ngặt. Do đó ngày 14.4, PV liên hệ để vào chụp hình hai ngôi mộ bí ẩn trong tu viện cổ nhưng không được chấp thuận.