Câu chuyện đặt vấn đề an ninh hay tập trung phát triển kinh tế lên hàng đầu trở thành đề tài tranh luận sôi nổi của nguyên lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk khi góp ý cho báo cáo chính trị đại hội đảng bộ tỉnh này.
Sáng 17.7, tại Hà Nội, Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Lạng, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN, góp ý để thu hút đầu tư phát triển Đắk Lắk, ngoài cơ sở hạ tầng và giáo dục y tế, thì hệ thống hành chính cần có sự chỉ huy nhất quán, có định lượng, cam kết chặt chẽ, nhất là đặt mình vào vị trí của các nhà đầu tư, của khách tới tỉnh.
“Nhà đầu tư, khách đến tỉnh mà dọc đường cảnh sát bắt suốt thì rất khó. Có tỉnh có chính sách cảnh sát giao thông không phạt xe ngoại tỉnh. Còn ở Đắk Lắk thì phạt kinh lắm, đi dọc đường 14 thấy phạt liên tục. Chi phí logistic như thế quá cao”, ông Lạng góp ý.
Bên cạnh đó, ông Lạng cho rằng, vào thời ông làm việc tại Đắk Lắk thì vấn đề an ninh đúng là được đặt lên hàng đầu, vì vào năm 2004 tại đây đã xảy ra bạo loạn. Tuy nhiên, ông Lạng cho rằng, bài toán an ninh hiện nay đã thay đổi, không còn như trước.
“Chúng ta không buông lỏng an ninh nhưng nếu quá chặt chẽ thì không ai đến Đắk Lắk cả”, ông Lạng nêu quan điểm.
Không đồng tình với quan điểm của ông Lạng, trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đề nghị Đắk Lắk có đánh giá thêm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, gắn phát triển kinh tế – xã hội với củng cố quốc phòng an ninh .
Ông Bình nêu thực trạng, ở một số địa phương có những khu vực nhà đầu tư trong nước không mặn mà nhưng nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng bỏ tiền vào, song do liên quan tới quốc phòng an ninh nên Bộ Quốc phòng không đồng ý.
“Anh Lạng nói không nên khắt khe quá nhưng gần đây Bộ Quốc phòng đã thay đổi khá nhiều trong xây dựng thế trận phòng thủ. Đất quốc phòng chuyển cho địa phương phát triển kinh tế – xã hội rất nhiều so với đất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng”, ông Bình cho hay và dẫn chứng ở Khánh Hòa có khu vực bờ biển trước đây là thao trường của quân đội nhưng nay đã trở thành loạt resort, khách sạn lớn.
“Nhưng có một số chỗ không thể nhân nhượng được để đảm bảo quốc phòng an ninh được giữ vững”, ông Bình nhấn mạnh.
Ông Bình cũng đề nghị bổ sung chỉ tiêu về chủ động phát hiện, đấu tranh với âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ.
Theo ông Bình, chúng ta đã có kinh nghiệm thực tế đau lòng ở Tây nguyên năm 2004, Mường Nhé năm 2011 và gần đây nhất là Bình Thuận vào tháng 6.2018.
“Một số văn kiện không nói ta bị động, bất ngờ, nhưng thực tế cả 3 vụ việc xử lý chậm, gây hậu quả an ninh trật tự, chính trị trên địa bàn. Có hậu quả thì rõ ràng ứng phó không tốt, bị bất ngờ, chỉ có cách diễn đạt khác”, ông Bình nhấn mạnh.
Phát biểu ý kiến sau đó, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam , nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, cho rằng cán bộ ở Tây nguyên, trong đó có Đắk Lắk, chưa bao giờ coi nhẹ công tác an ninh quốc phòng , thế nhưng, từng có thời kỳ sau vụ việc năm 2004, 2008 thì Tây nguyên, trong đó có Đắk Lắk, được mặc thêm một chiếc “áo giáp” hơi dày.
“Đã đến lúc từng bước cởi dần cái áo giáp ấy ra, để dự phòng khi cần thì mặc lại chứ không phải không dùng”, ông Thanh ví von và cho rằng, hiện tại, cần phải lấy phát triển kinh tế làm nền tảng để giữ vững an ninh, quốc phòng.
“Ta phải phát triển kinh tế để đồng bào no hơn, hạnh phúc hơn, được hưởng nhiều phúc lợi, được chăm lo tốt hơn, đó là áo giáp chắc nhất trong lòng dân. Phải phát triển kinh tế chứ không thể mang tiền từ Hà Nội, TP.HCM vào hỗ trợ được mãi”, ông Thanh nêu và cho rằng, cần phải báo cáo với Bộ Chính trị về vấn đề này.
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu để tập trung tính toán các tiềm năng phát triển địa phương.
Ông Cường đồng tình với các góp ý, cho rằng cần phải tháo gỡ các điểm nghẽn để tỉnh phát triển, từ giao thông, công nghệ thông tin , cải cách hành chính, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực và cơ chế thu hút các nhà đầu tư.
“Đặc biệt là phải chăm lo, quan tâm đời sống đồng bào. Đấy chính là cái bảo vệ tốt nhất, bởi vì đồng bào giàu lên sẽ không còn chuyện kích động nữa. Người ta nói “đói nghèo sinh ra đạo tặc”, đói nghèo mới sinh ra chuyện này chuyện khác, còn khi đã giàu rồi thì không còn nữa”, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nói.