Sau khi tái đắc cử bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk khoá XVII (nhiệm kỳ 2020-2025), ông Bùi Văn Cường khẳng định mình không đạo văn hay “nhái” luận án tiến sĩ, rằng có một “chiến dịch bôi nhọ”, hạ uy tín của ông trước thềm đại hội…
Ngày 19-10, lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết đến thời điểm nay đã có đầy đủ các kết luận, thể hiện ông Bùi Văn Cường – bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk – không đạo văn, “nhái” luận án tiến sĩ như đơn tố cáo của ông Hoàng Minh Tuấn (trú tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) và một số thông tin trên mạng.
Minh chứng vấn đề này, ông Phạm Minh Tấn – phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk – thông tin kết luận của Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương về kết quả giải quyết đơn tố cáo đối với ông Bùi Văn Cường.
Theo ông Tấn, sau nhiều tháng xem xét, Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương đã kết luận ông Bùi Văn Cường “không có hành vi đạo luận án tiến sĩ”.
Theo ông Tấn, kết luận này dựa trên việc xem xét báo cáo số 340 ngày 28-9 của Ban Tổ chức Trung ương “về kết quả giải quyết đơn tố cáo văn bằng tiến sĩ của ông Bùi Văn Cường”; công văn 267 ngày 14-7 của Ban Cán sự Đảng Bộ GD-ĐT; công văn số 897 ngày 10-7 của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.
“Kết quả xác minh đến thời điểm hiện nay cho thấy đồng chí Bùi Văn Cường không có hành vi đạo văn, không vi phạm nghiêm trọng quy chế của Bộ GD-ĐT trong nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường đại học Hàng hải Việt Nam năm 2018 như nội dung tố cáo ghi trong đơn ngày 10-2 của ông Hoàng Minh Tuấn.
Đồng chí Bùi Văn Cường không sử dụng văn bằng tiến sĩ không hợp pháp; không vi phạm quy định số 126 ngày 28-2-2018 của Bộ Chính trị về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”, ông Tấn thông tin theo kết luận.
Trao đổi thêm với báo chí, ông Bùi Văn Cường nói có một “chiến dịch truyền thông” bôi nhọ cá nhận ông trước thềm đại hội Đảng.
“Tôi khẳng định là tôi không sai một chút nào. Tôi đã có gần 8 năm làm giảng viên tại trường Đại học Hàng hải Việt Nam, đã làm thạc sĩ khi giảng dạy tại trường. Đến 2013 chuyên ngành tôi dạy mới được phép đào tạo tiến sĩ, nên 2015 tôi tiếp tục thi nghiên cứu sinh để làm tiến sĩ theo chuyên ngành tôi đam mê và đã giảng dạy”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, chiến dịch bôi nhọ ông làm rất bài bản. Ban đầu, nhóm này làm blog, gửi email để phát tán thông tin bôi nhọ; sau đó thuê “quân xanh” đứng tên đứng đơn tố cáo; thuê báo, tạp chí viết bài và cuối cùng thuê KOL (facebook cá nhân có nhiều người theo dõi) trên mạng xã hội để làm “bão táp tin bẩn” bôi nhọ.
“Nhiều báo, đài nhận được đơn tố cáo đã liên hệ với tỉnh, sau khi được xem các văn bản, kết luận của Bộ Giáo dục và đào tạo và của Trường Đại học Hàng hải, đối soát các nội dung đơn tố cáo nêu, đã hiểu rõ là vu khống, ngụy tạo nên không đưa tin về vụ việc, trừ tạp chí Môi trường và xã hội cố tình không kiểm chứng thông tin 2 chiều.
Lý do bôi bẩn ấy sẽ được cơ quan chức năng xem xét, làm rõ. Chúng tôi sẽ công bố đầy đủ các thông tin một cách chính thống”, ông Cường khẳng định.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt tạm giam ông Hoàng Minh Tuấn (40 tuổi, trú huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) về hành vi vu khống.
Ngày 25-9, Công an Đắk Lắk đã bắt khẩn cấp ông Phạm Đình Quý (39 tuổi, giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng) cùng về hành vi vu khống do xúi giục, bàn bạc để ông Tuấn vu khống.
Liên quan đến vấn đề này, Tạp chí Môi trường và xã hội đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt hành chính 50 triệu đồng, tước giấy phép hoạt động báo in 2 tháng do đăng thông tin theo đơn tố cáo của ông Tuấn mà chưa kiểm chứng…