Bệnh nhân V. (dân tộc Ba Na, 4 tuổi, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa, Gia Lai) đã tử vong lúc 2h30 sáng do bạch hầu thanh quản ác tính tổn thương đa cơ quan.
Ngày 5/7, một lãnh đạo Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai cho biết, mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng bệnh nhân V. (dân tộc Ba Na, 4 tuổi, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa, Gia Lai) đã tử vong lúc 2h30 sáng cùng ngày do bạch hầu thanh quản ác tính tổn thương đa cơ quan.
Theo vị lãnh đạo này, hiện bệnh nhân V. đã được bàn giao cho người thân đưa về nơi cư trú để mai táng, mọi thủ tục đều được ngành chức năng kiểm sát chặt chẽ để tránh lây lan dịch bạch hầu. “Trước mắt người dân cần tiềm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ em, đặc biệt là bạch hầu. Nếu có triệu chứng sốt, ho, đau họng cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, sàng lọc, điều trị” – Vị lãnh đạo Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai khuyến cáo.
Trước đó, bệnh nhân V. có biểu hiện sốt, ho, đau họng, đến 6h ngày 3/7, bệnh nhân này được chuyển đến Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai và được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh bạch hầu.
Theo Sở Y tế Gia Lai, V. cùng mẹ có đến tỉnh Kon Tum (đến ngày 4/7/2020 Kon Tum có 22 ca nhiễm bạch hầu) vào ngày 28/6. Bệnh nhân này trước đó vào ngày 5/3/2018 đã được tiêm vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, nên ngành y tế Gia Lai “chưa rõ bệnh nhân này có tiếp xúc với trường hợp bệnh nhân nào bị bạch hầu hay không”.
Về việc bệnh nhân V. đã được tiềm vắc xin phòng bạch hầu nhưng vẫn bị nhiễm bệnh bạch hầu, ông Mai Xuân Hải – Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết đang chỉ đạo ngành chức năng điều tra xác định nguyên nhân, có kết quả sẽ thông tin đến báo chí.
Để chống dịch bạch hầu, Sở Y tế Gia Lai đã chỉ đạo Trung tâm phòng chống bệnh tật tỉnh Gia Lai tiếp tục điều tra các hộ dân lân cận và lấy mẫu xét nghiệm 24 người trên địa bàn huyện Đắk Đoa, hỗ trợ Trung tâm y tế huyện này thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, khoanh vùng, dập dịch bạch hầu hiệu quả.
Tiền Lê