Tuesday, 26 Nov 2024
Tin tức

‘Bỗng dưng’ thành đại gia điện gió nhờ sự ưu ái của tỉnh Gia Lai

UBND tỉnh Gia Lai ‘ưu ái’ cho bà Nguyễn Thị Sen, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai, trong việc lướt sóng 2 dự án điện gió, thu về hàng trăm tỷ đồng.

Dự án điện gió của nữ đại gia Nguyễn Thị Sen đã được bán cho doanh nghiệp nước ngoài. Tuấn Anh.

Dù không có kinh nghiệm về điện gió, nữ đại gia Nguyễn Thị Sen vẫn trở thành chủ đầu tư của 2 dự án có tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ ở Gia Lai. Hai dự án sau đó nhanh chóng được bán cho doanh nghiệp nước ngoài, nhanh giống như cách mà nữ đại gia này được UBND tỉnh Gia Lai ký Quyết định chủ trương đầu tư.

“Bỗng dưng” thành đại gia điện gió

Dự án Nhà máy Điện gió phát triển Miền Núi (Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai) và dự án Nhà máy Điện gió chế biến Tây Nguyên (Công ty cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai) được khởi công xây dựng vào tháng 9/2020 tại xã Bầu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.

Trước đó, 2 doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai và Công ty cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai nhanh chóng được thành lập vào trung tuần tháng 4/2020, trụ sở cùng đặt tại 18 Hùng Vương, Pleiku, Gia Lai. Cả hai công ty có vốn điều lệ ban đầu ở mức 25 tỷ đồng và đều thuộc sự chi phối của nữ đại gia Nguyễn Thị Sen.

Dự án điện gió được lấy đất từ đồi chè Bầu Cạn nơi nữ đại gia Nguyễn Thị Sen làm chủ. Ảnh: Tuấn Anh.

Trước khi trở thành đại gia điện gió, bà Nguyễn Thị Sen (SN 1956, quê Quảng Ngãi) đã có hơn 40 năm gắn bó với mảnh đất Gia Lai. Hiện bà Sen là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai, Chủ tịch HĐQT của 4 doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi Gia Lai, Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn, Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai, Công ty TNHH Quang Anh.

Nhưng có lẽ, người dân phố núi biết nhiều đến bà Sen với vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi Gia Lai, nơi bà chủ sở hữu gần như toàn bộ cổ phần của doanh nghiệp này.

Tháng 1/2019, Công ty Miền núi Gia Lai có vốn điều lệ ở mức 21,1 tỷ đồng, trong đó bà Sen nắm cổ phần chi phối lên đến 94,44%. Công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống. Công ty cũng đăng ký kinh doanh xăng dầu, chế biến đá bazan, sản xuất và chế biến gỗ…

Ngoài các ngành nghề đăng ký, công ty còn được UBND tỉnh Gia Lai giao nhiệm vụ cung ứng các mặt hàng chính sách phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa và thu mua hàng nông sản nhằm khuyến khích phát triển sản xuất.

Trước đó, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã từng có bài viết về việc tỉnh Gia Lai hàng năm thực hiện chương trình hỗ trợ cấp bò giống cho các hộ nghèo dân tộc thiểu số, qua đó giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai giao cho Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư và công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển miền núi Gia Lai được chọn là đơn vị cung ứng, cấp phát bò cái sinh sản cho các hộ nghèo. Tuy nhiên, công ty này đã nhiều lần bị người dân phản ánh về việc vừa cấp bò giống được ít ngày thì bò bị bệnh hoặc chết.

Còn đối với Công ty cổ phần chè Bầu Cạn (vốn điều lệ hơn 100 tỷ đồng), ngay tiếp quản, bà Sen đã định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất các sản phẩm như chè, cà phê, tăng giá trị gia tăng phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Công trình Đô Thị Gia Lai cũng do bà Sen đứng đầu với chức năng làm sạch đẹp cảnh quan và môi trường, chỉnh trang hạ tầng đô thị, phục vụ sinh hoạt đời sống của nhân dân tại đô thị Pleiku.

Điểm qua những ngành nghề kinh doanh vốn trở thành “thương hiệu” trong nhiều năm qua của bà Sen để thấy, việc nữ đại gia này “bỗng dưng” đầu tư vào điện gió đã khiến nhiều người dân phố núi tỏ ra bất ngờ, thậm chí hoài nghi về năng lực khi thực hiện dự án nghìn tỷ.

UBND tỉnh Gia Lai đang “ưu ái” cho nữ đại gia

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh, vào tháng 6/2020, 2 dự án điện gió của nữ đại gia Nguyễn Thị Sen được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, theo công văn số 795/TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ.

Và chỉ gần một tháng sau, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai có các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, trong đó phần vốn tự có bắt buộc của mỗi dự án là 383 tỷ đồng. Trong khi, vốn điều lệ của 2 Công ty sở hữu 2 dự án này quá thấp, lần lượt là 21,1 tỷ đồng và 35 tỷ đồng.

Nhìn vào những con số thông kê và việc UBND tỉnh Gia Lai nhanh chóng phê duyệt chủ trương đầu tư cho đại gia phố núi Nguyễn Thị Sen đã khiến dư luận hoài nghi về năng lực yếu kém của chủ đầu tư nhưng lại xin dự án giỏi?

Dự án điện gió mà nữ đại gia Nguyễn Thị Sen xin chủ trương đầu tư đang do người nước ngoài thi công, quản lý. Ảnh: Tuấn Anh.

Trở lại với câu chuyện 2 dự án điện gió được khởi công xây dựng ở đồi chè Bầu Cạn sẽ không khó để đoán được nguyên nhân.

Công ty cổ phần chè Bầu Cạn tiền thân là công ty một thành viên do nhà nước quản lý. Đến năm 2017, công ty này tiến hành cổ phần hóa và bà Sen trở thành cổ đông lớn điều hành. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ tài sản của Công ty cổ phần chè bầu Cạn đã được bán cho tư nhân và bà Sen là Chủ tịch HĐQT.

Ngay sau đó, một phần của đồi chè Bầu Cạn tuyệt đẹp đã bị phá bỏ để phục vụ cho việc xây dựng điện gió. Lý giải việc này, một vị lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, về nguyên tắc, đất tại đồi chè này vẫn do nhà nước quản lý, phía công ty thuê lại theo thời hạn 50 năm. Còn việc công ty có phá vỡ bỏ đồi chè hoặc trồng thứ gì khác thì phải có lộ trình báo cáo hàng năm với UBND tỉnh Gia Lai.

“Công ty có thể làm bất cứ thứ gì mang lại hiệu quả nhưng không thể phá vỡ quy hoạch, định hướng phát triển của địa phương”, vị lãnh đạo này cho biết.

Về việc đồi chè Bàu Cạn bị phá nát để xây dựng điện gió, vị lãnh đạo này khẳng định, công ty không làm sai vì nơi đây đã được điều chỉnh bổ sung quy hoạch.

Theo tôi được biết, phần đất mà để xây dựng các trụ điện thì đã được công ty cổ phần chè Bầu Cạn trả lại cho nhà nước. Như vậy, nhà nước cho lại các doanh nghiệp đầu tư điện gió thuê lại”, vị lãnh đạo này nói và cho biết, đó là lý do 2 dự án điện gió của bà Nguyễn Thị Sen được cấp phép nhanh, không phải mất thời gian đền bù giải tỏa cũng như việc giải phóng mặt bằng.

Đồi chè tuyệt đẹp vốn do nhà nước quản lý nay đã bị phá bỏ 1 phần để làm điện gió. Ảnh:Tuấn Anh.

Việc các dự án điện gió của bà Sen chưa đầy 1 tháng đã được Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành ký quyết định chủ trương đầu tư được hiểu là do các dự án này rất “thuận” với việc phù hợp quy hoạch, bổ sung quy hoạch. Quan trọng hơn, đất đồi chè do chính bà Sen làm chủ nên sẵn sàng trả lại đất để làm điện gió mà không sai về quy định pháp luật.

Trước câu hỏi, doanh nghiệp của bà Sen có được ưu ái khi vốn điều lệ chỉ hơn 20 tỷ nhưng vẫn xin được dự án điện gió nghìn tỷ? Vị lãnh đạo này cho biết, về quy định, doanh nghiệp vẫn không làm sai bởi 2 lý do.

Thứ nhất, có những doanh nghiệp lựa chọn vốn điều lệ bằng vốn đối ứng của dự án. Chẳng hạn, dự án 1.000 tỷ đồng, doanh nghiệp bắt buộc phải có vốn đối ứng tương đương 200 tỷ đồng (20%). Thứ 2, doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ vừa phải, sau đó sẽ tăng vốn theo tiến độ dự án.

Chẳng hạn, dự án điện gió giai đoạn đầu khởi công xây dựng hết 300 tỷ đồng thì vốn điều lệ doanh nghiệp sẽ tăng lên để đối ứng với vốn đầu tư. Như vậy có thể hiểu, 2 dự án điện gió của bà Sen làm theo phương án 2 mà không phải bỏ nhiều vốn ngay giai đoạn đầu của dự án.

Với phương án đầu, ít có doanh nghiệp thực hiện trừ khi bắt buộc. Bởi lý do, ban đầu các doang nghiệp chỉ làm thủ tục cho dự án nên không đầu tư nhiều tiền, do đó vốn đối ứng sẽ ít.

“Thường khi doanh nghiệp vào Gia Lai đầu tư dự án, UBND tỉnh thường bắt chứng minh năng lực tài chính bằng cách phải đảm bảo ngay vốn điều lệ. Riêng chỗ doanh nghiệp của bà Sen đã quá “quen thuộc” nên tỉnh cũng biết năng lực của công ty và “ưu ái” cho đăng ký vốn điều lệ vừa phải”, vị lãnh đạo này chia sẻ.

Dự án Nhà máy Điện gió phát triển Miền Núi và Nhà máy Điện gió chế biến Tây Nguyên có tổng mức đầu tư xây dựng 3.600 tỷ đồng. Dự kiến, 2 dự án sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành trong năm 2021. Theo đó, 2 dự án sẽ cung cấp tổng sản lượng điện 319,5 triệu kW/năm, doanh thu 627,6 tỷ đồng, nộp ngân sách 125 tỷ đồng mỗi năm.

Điều đáng nói, ngay khi 2 dự án này được phê duyệt chủ trương đầu tư được ít ngày, EPVN W2 (HK) Company Limited – một công ty con của Tập đoàn Eastern Power Group của Thái Lan (trụ sở tại Hông Kông) đã thông qua chủ trương mua 2,25 triệu cổ phần, tương đương 90% cổ phần Năng lượng Gió Chư Prông Gia Lai với giá phí 7,875 triệu USD. Đồng thời, công ty này cũng mua 2,5 triệu cổ phần, tương đương 100% cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai với giá phí 8,75 triệu USD.

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 15/4/2021, EPVN W2 (HK) Company Limited đã sở hữu 53,9% tại Năng lượng Gió Chư Prông Gia Lai và 60% tại Điện gió Chư Prông Gia Lai.

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý độc giả copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn taynguyen247.com. Xin cảm ơn!
Copyright © 2022 - 2024 | taynguyen247.com | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status