Nước lũ dâng nhanh chỉ trong vài giờ đồng hồ làm bà con xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, Nghệ An không kịp trở tay. Các thuyền cứu hộ rọi đèn trong đến từng nhà đưa người dân đi sơ tán.
Thanh Mỹ là xã ngập nặng nhất ở huyện Thanh Chương khi hình ảnh những nhà dân chạm tới nóc được người dân chia sẻ trên mạng xã hội. Mưa lớn dồn dập cùng với nước từ các hồ thủy điện trên sông Cả đổ về khiến Thanh Mỹ bị bao vây trong “biển nước”.
“Đây là đợt mưa lớn lịch sử trong 40 năm qua ở Thanh Mỹ. Nước đã rút gần 1m nhưng toàn xã này vẫn đang bị cô lập hoàn toàn. Người dân được sơ tán đến trụ sở UBND xã và nhà dân cao tầng hơn để ở tạm”, ông Trình Văn Nhã – chủ tịch UBND huyện Thanh Chương – vừa kiểm tra từ hiện trường về thông tin nhanh với Tuổi Trẻ Online.
Suốt hai ngày qua, mưa lớn dồn dập trút xuống Thanh Chương. Nhiều khu dân cư thấp trũng ở Thanh Mỹ nằm sát sông Giăng không thoát kịp nên nhanh chóng bị nước lũ nhấn chìm.
Dù đã quen với các đợt mưa do ảnh hưởng của không khí lạnh vào cuối tháng 10 hằng năm nhưng bà con ở đây không nghĩ nước lũ lên nhanh đến như vậy.
“18h chiều, gia đình tôi vừa ăn cơm tối, nước chỉ mấp mé ngoài sân. Chỉ vài giờ sau, nước đã dâng cả mét tràn vào nhà”, ông Trần Văn Quang, 52 tuổi, ngụ xã Thanh Mỹ kể.
Dõi theo thông tin mưa lũ hoành hành khắp các tỉnh miền Trung những ngày qua, ông Quang lo ngại nước lũ dâng sẽ làm hư hỏng tài sản nên giục mấy đứa con kê mấy bao thóc lên cao. Cúp điện, trong đêm tối mịt mùng cả nhà ông Quang vừa kịp đưa chiếc tivi, quạt điện lên gác thì nước đã ngập nửa nhà.
“Cũng may nhờ có xuống cứu hộ của xã vào đưa chúng tôi thoát ra bên ngoài kịp thời, nếu không ở trong này không biết xoay xở thế nào vì chưa kịp chuẩn bị gì”, ông Quang nói.
Từ những thông tin “cầu cứu” đăng tải trên mạng xã hội, một nhóm thiện nguyện ở TP Vinh mang theo hai xuồng cao su lên Thanh Mỹ trong đêm, trổ mái ngói để cứu người dân thoát ra bên ngoài.
Ông Phạm Xuân Lực – bí thư Đảng ủy xã Thanh Mỹ – cho biết đến chiều 30-10, nước lũ đã rút dần nhưng toàn xã vẫn đang bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Nước lũ lên nhanh nên nhiều tài sản, gia súc của người con bị hư hỏng, cuốn trôi.
“Suốt đêm qua, chúng tôi đã sơ tán người dân đến trụ sở ủy ban xã, trường học để đảm bảo an toàn. Hiện tại các hộ dân ở vùng ngoài không bị ngập lụt đang tiếp tế lương thực vào bên trong giúp người dân đi tránh lũ, chờ nước rút”, ông Lực nói.
Trong công điện về ứng phó với thiên tai đang diễn ra trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, ông Thái Thanh Quý – bí thư Tỉnh ủy Nghệ An – yêu cầu người đứng đầu các địa phương, trước mắt mắt tập trung ứng cứu nhân dân nơi đang bị ngập và bị cô lập, chia cắt; tổ chức di dời, sơ tán dân nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.